Thời thế Gen Z
Mạng xã hội, Internet, trí tuệ nhân tạo… là những nền tảng công nghệ hậu thuẫn cho Gen Z trở thành “ông chủ” quyền lực đích thực của nền kinh tế số.
Chưa đầy một thập kỷ tới, Gen Z (thuật ngữ chỉ thế hệ sinh ra từ năm 1997-2012) sẽ chiếm hơn 1/3 lực lượng lao động trên toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu lên kế hoạch thu hút và bồi dưỡng thế hệ đặc biệt này.
Dùng game giữ tài năng
Mỗi dịp hè đến là chị Bích Trâm (quận 3, TP.HCM) rốt ráo tìm các khóa học ngoại khóa cho con trai 15 tuổi vì sợ con mình dành phần lớn thời gian chơi game trên điện thoại. Nỗi lo của chị Trâm là có cơ sở vì một báo cáo của Deloitte năm 2022 đã chỉ ra thanh thiếu niên từ 14-19 tuổi chơi game, chủ yếu trên smartphone, trung bình 12 tiếng/tuần.
Là người thuộc thế hệ trước, bên cạnh lo ngại về sức khỏe, chị Trâm sợ rằng sẽ không có doanh nghiệp nào chấp nhận nhân viên nghiện game. Tuy nhiên, có một thực tế có thể gây sốc cho chị: Các doanh nghiệp toàn cầu đang phải thay đổi để thích nghi với các thói quen của thế hệ Gen Z và game là một trong số đó.
Lấy ví dụ như Amazon Web Services, để giải bài toán đào tạo nhân lực thích nghi với môi trường chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ở Đông Nam Á, đơn vị này đã đưa hẳn các trò chơi vào huấn luyện. Trên màn hình trình chiếu trong một buổi họp trực tuyến với NCĐT, ông Emmanuel Pillai, phụ trách Bộ phận Đào tạo và Chứng chỉ của Amazon Web Services, mở ra một chương trình game trên nền đồ họa 2D, minh họa công việc của bộ phận chăm sóc khách hàng với nhiều phòng ban và nhân sự đang làm việc.
Nhân viên được đào tạo sẽ đóng vai một nhân vật trong game tiếp nhận các cuộc gọi yêu cầu trợ giúp từ khách hàng. Ứng với mỗi tình huống là kiến thức được lồng ghép để xử lý/ giải thích các yêu cầu đó. “Đối với học viên trẻ, việc đào tạo kết hợp vừa học vừa chơi game có những kết quả tích cực hơn. Vì đối với nhóm này, phần lớn là Gen Z, game là một phần cuộc sống của họ”, ông Emmanuel Pillai nói.
Không chỉ Amazon Web Services, ở Việt Nam, một startup giáo dục về tài chính mới huy động vốn thành công là Stag cũng đã nhúng game vào các bài học để tăng tính trực quan. Cụ thể là sản phẩm giáo dục tài chính Stock Edu do Stag phát triển, thông qua các tương tác với ứng dụng như hoàn thành bài học tài chính, đăng nhập hằng ngày, thực hiện thử thách… người dùng sẽ được tặng thưởng một số vốn ảo có giá trị sử dụng trên sàn giao dịch chứng khoán giả lập Stock Edu.
Thay vì cấp cho người dùng một số vốn ngay từ đầu, Stag tính toán để người dùng phải học tập và tích lũy từng bước. “Điều này tương tự như hình thức đi làm nhận lương và trích một phần nhỏ đầu tư, qua đó người dùng có thể hình dung hoàn cảnh đầu tư giống với thực tế nhất”, ông Bằng Trần, đồng sáng lập Stag, trả lời NCĐT.
Sớm nhìn ra xu hướng này ở Việt Nam phải kể đến OPLA CRM, đơn vị cung cấp giải pháp quản lý phục vụ bộ phận bán hàng, kinh doanh cho các doanh nghiệp trong ngành hóa chất, sắt thép, thiết bị công trình, xây dựng, xuất nhập khẩu, tư vấn giải pháp công nghệ thông tin, marketing agency… Thậm chí, OPLA CRM còn huy động đầu tư chiến lược từ GOSU, một đơn vị có thâm niên 10 năm hoạt động và hiện nằm trong Top 5 nhà phát hành game ở Việt Nam với 37 triệu người dùng trong hệ sinh thái, để đảm bảo có thể game hóa một cách hiệu quả nhất các phần mềm quản lý. Ông Nguyễn Bình Nam – sáng lập OPLA CRM – cho rằng, để thu hút lực lượng lao động trẻ, công việc hằng ngày phải được giao như là trải nghiệm nhận nhiệm vụ trong các trò chơi sẽ tốt hơn cách làm truyền thống. “Chúng tôi đặt cược vào điều này”, ông Nam nói.
Thế hệ lãnh đạo nền kinh tế số
Các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để tiếp cận thế hệ Gen Z vì họ sẽ là lực lượng lao động và lãnh đạo của tương lai, thay thế dần các thế hệ trước. Cụ thể, nghiên cứu của Oxford Economics chỉ ra rằng chỉ 7 năm nữa, Gen Z sẽ chiếm 1/3 lực lượng lao động toàn cầu. Còn ở Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, năm 2025, sẽ có 1/3 lực lượng trong độ tuổi lao động là Gen Z. Báo cáo e-Conomy SEA năm 2020 của Google, Temasek và Bain Company cho biết quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỉ USD vào năm 2050. Với nền kinh tế dựa vào công nghệ, Gen Z chính là lực lượng quyết định để hoàn thành mục tiêu này.
Với đặc điểm là thế hệ sinh ra khi internet đã phát triển mạnh mẽ, Gen Z được nhìn nhận là thế hệ kỹ thuật số khi hầu hết các hoạt động hằng ngày của họ đều xuất phát từ internet như kết bạn trực tuyến, mua sắm, hẹn hò và tất nhiên là công việc…
Cũng bởi sinh ra trong thế hệ kỹ thuật số, nên thế hệ này có niềm tin tuyệt đối vào công nghệ sẽ giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải. Cuộc khảo sát với 1.500 người thuộc Gen Z ở Mỹ của Dell vào tháng 1/2023 chỉ ra rằng thế hệ này nhận ra sự cần thiết của việc phát triển các kỹ năng kỹ thuật số cho sự nghiệp tương lai với 36% dự định học các kỹ năng kỹ thuật số mới và 49% coi kỹ năng công nghệ là cần thiết cho con đường sự nghiệp.
“Gen Z khao khát các kỹ năng công nghệ số” là nhận định báo cáo Dell đưa ra. Đây là lực lượng không thể tốt hơn cho doanh nghiệp trong cuộc đua chuyển đổi số trên toàn cầu 10 năm tới khi mà thế hệ Millennials phần lớn đã đi đến tuổi 40, còn các thế hệ trước đó thì tiến sát đến độ tuổi nghỉ hưu. Do đó, doanh nghiệp đang tìm mọi cách chiêu dụ nhóm này và đưa game vào doanh nghiệp như trường hợp của Amazon Web Services là một ví dụ điển hình.
Nhưng ở chiều ngược lại, “lắm tài nhưng cũng nhiều tật” là cách nhìn của các thế hệ trước đối với Gen Z trong quá trình làm việc. Cuộc khảo sát tháng 4/2023 từ ResumeBuilder với 1.300 quản lý ở Mỹ cho thấy đây là thế hệ làm đau đầu doanh nghiệp nhất. 49% người khảo sát cho biết rất khó làm việc với nhân sự Gen Z “hầu hết thời gian” vì thiếu kỹ năng công nghệ, nỗ lực lẫn động lực. 65% cho biết Gen Z thường bị sa thải trước tiên và 12% cho biết đã sa thải các nhân sự Gen Z trong vòng một tuần kể từ khi họ nhận việc. Lý do bị sa thải hàng đầu là “quá dễ bị tổn thương” dẫn đến các tình huống tranh cãi nảy lửa với người quản lý.
Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Talentnet, cho biết: “Thế hệ nào cũng có người này, người kia nên sẽ thiếu công bằng nếu đóng khung Gen Z là những bạn trẻ thiếu kỷ luật hay khả năng chịu áp lực kém”. Là người tiếp xúc với nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z trong và ngoài nước, bà Trinh cho rằng thế hệ này có những điểm khác biệt là thẳng thắn, hiểu bản thân, minh bạch với tư duy mong muốn thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra và cuối cùng là mạnh tay chi tiêu, hưởng thụ vì đây là cách nhóm này cân bằng cuộc sống. Khác với thế hệ trước ưa chuộng sự ổn định trong công việc và cuộc sống, Gen Z lại đề cao sự trải nghiệm, mong muốn được thử sức ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tất nhiên, những cá tính này dễ trở thành “con dao 2 lưỡi” với Gen Z nếu họ không biết kiểm soát tốt.
“Sự thẳng thắn quá đà có thể dẫn đến thiếu thấu cảm. Tính cách bộc trực có thể dẫn đến hành động vô kỷ luật. Sự ham thích tự do và trải nghiệm có thể khiến các bạn dễ dàng hơn để tạm dừng và nghỉ ngơi, theo đuổi một sở thích khác”, bà Trinh nói. Nhận định của bà Trinh là có cơ sở, do khác biệt về lối sống và cách làm việc nên cơ bản Gen Z không thể phát huy được sở trường. Giải thích về lý do hay chuyển việc của thế hệ này, báo cáo cũng chỉ ra rằng có đến 70% lý do nghỉ việc của Gen Z ở công ty cũ là không có đủ công cụ công nghệ để họ tăng năng suất làm việc, tỉ lệ này cao gần một nửa Gen X (52%) và hơn gấp đôi Baby Boomers – thế hệ thời kỳ bùng nổ dân số (37%).
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương – Trưởng Bộ phận Tuyển dụng, Adecco Việt Nam – cho biết Gen Z có điểm tích cực là tiếp thu công nghệ nhanh. Đầu tiên là thế hệ này rất chủ động và độc lập trong công việc nhờ vào khả năng công nghệ vượt trội. Thứ hai, đây là thế hệ không ngại mắc lỗi và chịu học hỏi từ những sai lầm đó. Báo cáo của Ernst & Young với 1.400 người thuộc Gen Z cho biết hầu hết (97%) đều sẵn lòng nhận phản hồi liên tục hoặc sau khi hoàn thành một dự án lớn hoặc nhiệm vụ và 63% người tham gia khảo sát ưa thích nhận phản hồi xây dựng kịp thời trong suốt năm.
Tuy nhiên, đi kèm với các biệt tài đó, Gen Z vẫn có điểm yếu đặc thù là thiếu kiên nhẫn do đa số người thuộc thế hệ này thường đặt ra quá nhiều kỳ vọng và mong muốn cho bản thân, tuy nhiên khoảng cách giữa năng lực thực sự và năng lực cần có trong công việc là tương đối lớn, dẫn đến tâm lý chán nản, dễ nhảy việc và thiếu kỷ luật. Điều này đến từ 2 yếu tố.
Đầu tiên đây là thế hệ “vượt sướng” do phần lớn sinh ra với điều kiện đầy đủ, không bị nhiều áp lực về cơm áo gạo tiền. Thứ đến là bất ổn về cảm xúc. Đây là thế hệ dễ bị tổn thương nhất khi có đến 1/4 số người thuộc Gen Z cho biết họ cảm thấy căng thẳng về mặt tâm lý hơn (25%), gần gấp đôi so với tỉ lệ được báo cáo bởi các người thuộc thế hệ Millennials và Gen X (mỗi nhóm 13%) và hơn 3 lần tỉ lệ được báo cáo bởi người thuộc thế hệ Baby Boomers (8%). “Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng công việc khi họ không thể kiềm chế cảm xúc cũng như không đủ sức để đối mặt với khó khăn và áp lực trong công việc”, ông Chương nói.
Đáp án của tương lai
Khảo sát Lực lượng lao động Toàn cầu 2023 ở Châu Á – Thái Bình Dương của PwC cho thấy 61% người lao động Việt Nam được hỏi tin rằng các kỹ năng cho công việc của họ sẽ thay đổi đáng kể trong 5 năm tới và 59% tin rằng tổ chức nơi họ đang làm việc sẽ cho họ cơ hội để vận dụng các kỹ năng cần thiết nhất cho sự nghiệp trong 5 năm tới.
Người lao động cho rằng các kỹ năng về con người quan trọng hơn các kỹ năng chuyên môn hoặc kinh doanh, bao gồm khả năng thích ứng/ linh hoạt (70%), kỹ năng hợp tác (70%), tư duy phản biện (68%) và kỹ năng phân tích/ dữ liệu (66%). Hơn nữa, người lao động tại Việt Nam rất tích cực về những cơ hội và lợi ích mà trí tuệ nhân tạo (A.I) sẽ mang lại cho sự nghiệp của họ. Có 60% cho rằng A.I sẽ giúp họ gia tăng năng suất/hiệu quả trong công việc (Châu Á – Thái Bình Dương 41%) và 58% xem đó là cơ hội để học các kỹ năng mới (Châu Á – Thái Bình Dương 34%).
Với sự xâm chiếm lực lượng lao động về mặt cơ học và là nguồn lực cốt lõi cho cuộc chạy đua chuyển đổi số ở các doanh nghiệp trong một thập niên tới, vai trò của Gen Z là không thể phủ nhận. Thú vị hơn, theo khảo sát của PwC, thế hệ Gen Z vốn tiếp xúc với công nghệ kỹ thuật số nhiều hơn, lại là thế hệ ít lạc quan nhất với chỉ 47% tin vào khả năng tồn tại của doanh nghiệp nơi họ đang làm việc trong một thập kỷ tới. Điều này cho thấy thế hệ nhân viên trẻ nhận ra nhu cầu cần thay đổi trong doanh nghiệp để thích nghi trong tương lai và họ sẽ bỏ đi nếu không thấy được động lực thay đổi của doanh nghiệp. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đang tập thay đổi để thu hút thế hệ này.
Theo lãnh đạo của Talentnet, cũng như các thế hệ khác, những cá tính thường thấy của Gen Z cũng có một số điểm chưa hoàn thiện. Với năng lực linh hoạt và đa nhiệm của các bạn trẻ thuộc thế hệ này khá cao nên đôi khi trở thành hạn chế tính hiệu quả khi làm việc nhóm và cần tương tác với nhiều đối tượng khác nhau trong cùng một dự án. Đồng thời, với tính cách thẳng thắn, làm chủ bản thân, việc hiểu và thấu cảm cho người khác có thể sẽ là trở ngại ban đầu cho nhiều bạn trẻ Gen Z có cá tính mạnh. Vì vậy, để chiêu mộ nhân tài trong thế hệ này, doanh nghiệp cần xây dựng một môi trường giúp họ sống đúng với cá tính và có các cơ chế để khắc phục những thiếu sót và hoàn thiện bản thân.
Bà Trinh gợi ý xây dựng theo “mô hình ABCD”. Vì Gen Z là thế hệ khao khát học hỏi các kỹ năng nên doanh nghiệp cần xây một bộ máy nhanh nhẹn (Agility), sẽ rất phù hợp với một thế hệ học hỏi nhanh, ứng biến nhanh, nhưng thay đổi cũng nhanh như Gen Z. Thứ đến, vì nhóm này vẫn cần thời gian hoàn thiện bản thân và kỹ năng nên yếu tố cân bằng (Balance) là cần thiết do trưởng thành trong một thế giới thay đổi không ngừng, nhiều bạn trẻ Gen Z thiếu độ chững nhất định để hiểu sâu sắc một vấn đề. Một môi trường cân bằng để các bạn có cơ hội phản tư, truy vấn và nhìn nhận các khía cạnh đã xảy ra sẽ giúp Gen Z hoàn thiện bản thân.
Thứ ba là giao tiếp (Communication). Đây cũng là kỹ năng mà các nhà tuyển dụng toàn cầu đánh giá là thiếu sót nhất của Gen Z. Chính vì thế, doanh nghiệp cần xây dựng một môi trường đề cao giao tiếp 2 chiều cũng giúp Gen Z rèn luyện kỹ năng EQ, giúp các nhân sự thuộc thế hệ này biết lắng nghe và thấu cảm nhiều hơn.
Cuối cùng là DEI (đa dạng – bình đẳng – hòa nhập). Do Gen Z là thế hệ cởi mở và coi trọng sự bình đẳng, một môi trường đề cao tính DEI sẽ là nơi lý tưởng để Gen Z bộc lộ khả năng và trở thành phiên bản tốt nhất của mình tại nơi làm việc, cũng như rèn luyện khả năng làm việc nhóm với nhiều cá nhân đa dạng khác nhau.
Theo ông Mai Viết Hùng Trân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, sự thay đổi diễn ra liên tục trong thực tại đầy biến động ngày nay. Khi nhà lãnh đạo thấu hiểu những làn sóng thay đổi tại nơi làm việc, họ có thể thúc đẩy động lực của nhân viên, khai thác tiềm năng con người và đạt được những mục tiêu lớn hơn. “Một tín hiệu đáng mừng là các nhà lãnh đạo và người lao động Việt Nam đã bắt đầu bước vào hành trình chuyển đổi để thích nghi. Dù sự chuyển đổi tại các doanh nghiệp là khác nhau, con người vẫn là cốt lõi của sự thay đổi. Chúng ta cần hợp tác với nhau theo những cách mới để xây dựng lòng tin và mang lại một kết quả bền vững”, ông Trân nói.
Có thể thấy sự thay đổi đang diễn ra ở rất nhiều doanh nghiệp, nhưng các hoài nghi về khả năng làm việc của thế hệ Gen Z vẫn chưa thể xóa nhòa ngay lập tức. Có rất nhiều biệt danh đang được gán cho Gen Z, đa phần trong số đó mang ý nghĩa mỉa mai nhưng nên nhớ rằng các thế hệ trước cũng từng bị gán nhiều biệt danh như vậy vì cá tính và thói quen làm việc mới chứ không riêng gì Gen Z.
Còn nhớ thế hệ Millennials, lực lượng lao động đương đại, từng được gọi là “thế hệ ích kỷ, lười lao động” bởi Gen X. Gen X cũng từng được gọi là “những kẻ lười biếng” bởi Baby Boomers, còn Baby Boomers cũng bị thế hệ trước đó gán ghép cho biệt danh những kẻ “hippie” trong môi trường công sở. Giờ đây, doanh nghiệp tiếp tục chờ thế hệ này trưởng thành hơn hay thay đổi môi trường làm việc để chào đón họ, chuẩn bị cho tương lai mà có lẽ câu trả lời đã rõ.
Công Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư